Viện Toán cao cấp Việt Nam

Tin Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields năm 2010 làm nức lòng nhiều người Việt Nam, nhất là giới sinh viên và những người làm toán. Giáo dục Việt Nam nhân sự kiện này khuyến khích, động viên việc học, việc nghiên cứu khoa học là điều rất tốt và thiết thực, còn nếu Chính phủ lấy đó làm xuất phát điểm để đầu tư cho một Viện Toán cao cấp thì lại là một viêc cần xem xét.

Hôm nay đọc bài “GS Ngô Bảo Châu tiết lộ ‘bí mật’ của Viện Toán cao cấp” đăng trên báo Giáo duc Việt Nam (Thứ tư 18/01/2012), không thể không viết lại vài cảm nhận.

Bài viết có đoạn Ngô Bảo Châu phát biểu: “hiện nay tỷ lệ giảng viên toán có trình độ tiến sỹ chỉ là một con số rất nhỏ, quan trọng hơn tỷ lệ giảng viên toán có các công trình nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế nào đó lại là một con số vô cùng nhỏ.”

Phát biểu trên đúng không chỉ đối với ngành toán mà còn đối với mọi ngành khoa học của Việt Nam. Vậy câu hỏi được đặt ra là: “liệu toán học có phải là ngành cần đầu tư phát triển nhất ở Việt Nam?” Rất có thể khoa học xã hội, nông nghiệp hay môi trường xứng đáng được ưu tiên phát triển hơn và mang lại nhiều lợi ích trực tiếp hơn cho đất nước.

Viêt Nam là nước đang phát triển, còn rất nghèo, có nền toán học chưa tiên tiến. Vậy tại sao lại “hào phóng” đầu tư nghiên cứu toán cao cấp để có thể người được hưởng lợi nhiều chưa chắc đã là Việt Nam? Mục tiêu phấn đấu “đến năm 2020 toán học Việt Nam có thứ hạng thứ 40 trên thế giới” thực chất chẳng có ý nghĩa gì nhiều và hoàn toàn không đáng để hấp dẫn.

Đoạn: “Được biết, kinh phí hoạt động của Viện toán được Chính phủ dành tới 650 tỷ đồng để hoạt động, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ không yêu cầu Viện phải nghiên cứu cái gì, việc sử dụng số kinh phí trên như thế nào là quyền của GS Ngô Bảo Châu, Hội đồng khoa học…” làm người đọc bức xúc về sự “dễ dãi” trong điều hành của Chính phủ. Khi trao kinh phí cho một đơn vị, Chính phủ cần đưa ra những nhiệm vụ cụ thể và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của đơn vị đó.

Viện Toán cao cấp đã ra đời, còn cần thêm một thời gian nữa để đánh giá về hiệu quả của nó nói riêng, về chính sách phát triển nói chung và rút ra những bài học.

35 thoughts on “Viện Toán cao cấp Việt Nam

  1. Bản thân tôi đã rất vui mừng khi đọc về thành công của Ngô Bảo Châu. Nhưng, do không phải là người học và làm toán nên vẫn nhìn ngành học này với hiểu biết của một người ngoại đạo. Tuy nhiên, các suy nghĩ của Vũ Duy Mấn trong bài này thật cũng đáng làm mình nghĩ ngợi.

    Một trường hợp Ngô Bảo Châu có thể là một khơi gợi, hoặc tích cực hơn nữa, một xung lực hữu ích, nhưng nếu không khéo vận dụng, cung cách “phong trào” quen thuộc và nhàm chán (không từ phiá NBC) có thể dẫn vào những con đường rất khác. Đây cũng chỉ mới dám nói là có thể, nhưng nhiều tín hiệu khiến cho sự cảnh báo không phải là vô ích.

    Dù sao, một cái nhìn tổng thể hơn, phân định được các khả năng và yêu cầu “sát sườn” hơn cho cả một đất nước thì có lẽ các đầu tư trí tuệ lẫn các tài nguyên khác sẽ có cơ mang lại những hệ quả hữu ích hơn, cần kíp hơn.

    Và những việc này không nằm trong tay một chuyên ngành, kể cả một vài kì tài của một chuyên ngành.

    • Cám ơn anh Hoàng chia sẻ. Về phát triển khoa học, có lẽ vẫn không có thay đổi nhiều so với ngày anh Hoàng về theo CT Tokten 😦 .

  2. Pingback: Vài cảm nhận về Viện Toán cao cấp Việt Nam « Hiệu Minh Blog

  3. Pingback: Hieu Minh blog Vài cảm nhận về Viện Toán cao cấp Việt Nam | rfi

  4. hi hi cái này gọi là đầu tư anh hai. Ai đời thuở bỏ ra 650 tỉ mà không cần biết” nghiên cứu cái gì, sử dụng kinh phí thế nào”, chết chết chết. Khổ thân thủ tướng hết lo bóng đá lại lo Viện toán, thế này thì tái cấu trúc làm sao, hu hu

    • Thủ tướng mà cần biết ”nghiên cứu cái gì, sử dụng kinh phí thế nào” thì quý hóa quá cho dân mình quá. NBC đỡ phải bạc vài sợi tóc BL ạ. Viện Toán CC với 650 tỷ/10 năm, bao gồm cả phần xây dựng cơ sở vật chất – một Bổ đề cơ bản thứ 2 đối với NBC ? Mong các bác hiểu dùm và cảm thông cho cái khó mà NBC và mấy bác làmToán khác đang gặp phải.

      Còn cái mục tiêu của Viện toán CC, theo tôi nghĩ, chỉ đơn giản là để cho người dạy Toán ở VN biết được “Trời cao đến đâu ? đất thấp đến đâu?” rồi may ra biết được cần dạy cái Toán gì cho con em ngày mai. Ít nhất là loại bớt được không ít những vị ‘khả kính”, “ăn thì tục, nói thì một tấc lên trời”. Hy vọng con cháu mình sẽ được nhờ vì điều này.

      Bác Mẫn cảm vừa nhiều vừa kỹ, nhưng đâu có vẫn ló ra cái TÔI không ít góc cạnh của Bác. BL cũng vậy.

      Thôi thì MÔ PHẬT.

  5. Báo cáo anh Mẫn là trong gần 3 tiếng đã có tới 800 hit vào bài của anh rồi đó 🙂

    Mà cả bác Lập sang đây bình nghĩa là sắp bằng Tiên Lãng rồi 🙂

  6. Pingback: Hieu Minh blog Vài cảm nhận về Viện Toán cao cấp Việt Nam | rfi

  7. Pingback: Vài cảm nhận về Viện Toán cao cấp Việt Nam « TIN TỨC HÀNG NGÀY – Online

  8. Thân gửi anh Mẫn, đọc bài của anh thì có lẽ tôi mới tin rằng mình nghĩ đúng về sự kiện rình rang hiện nay về GS. NBC. Để rộng đường suy xét, xin mời anh và các bạn hữu gần xa vào xem một số các ý kiến về vấn đề này. Tôi chỉ post lại như một góc nhìn khác, nhưng vẫn thấy nó gượng ép quá nên mời các anh cùng xem xét. Cám ơn. À quên, anh đã có cháu ngoại chưa vậy? Nếu có thì cho tôi chúc mừng anh chị nhé. Còn con gái tôi thì vẫn chưa vì cháu nó còn đợi bố mẹ qua rồi mới dám có con.

  9. Có thể ví việc thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về toán của VN giống như việc Phạm Tuân đi “ké” tàu bay của Liên Xô vào vũ trụ thử bèo hoa dâu những năm 1980 vậy. Tại sao phải đầu tư những 650 tỉ đồng tiền vào cái mà chắc chắn, nếu có kết quả, chỉ đánh bóng hay vinh danh ai đó mà thôi, chứ đất nước và dân tộc VN này không cần?

    Cái mà VN cần là có nhiều viện nghiên cứu ứng dụng “thật sự” các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như ứng dụng con giống, cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc thiết bị nông nghiệp tiên tiến,… để nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi vì nông nghiệp là thế mạnh của VN. Dân VN ăn lúa gạo chứ không thể sống bằng cái sản phẩm của Viện toán này đâu.

    Buồn gì có quá nhiều người “có học” ở VN mượn việc chung mà lo làm việc riêng.

    Nhân thể nhắn gửi Châu giáo sư: khái niệm trí trức là khái niệm chủ quan, nên tùy nhận thức và nền tảng giá trị mà chủ thể có, cách hiểu của mỗi người khác nhau về trí thức là khác nhau.

    Không nên bắt người khác phải hiểu khái niệm trí thức của mình giống như cách hiểu của chính mình.

  10. Pingback: TIN NGÀY 25/1/2012 Mồng ba Tết | phamdinhtan

  11. DẠ THƯA ANH MẪN,VUA CHÚA NƯỚC EM ĐANG “ĐI TẮT-ĐÓN ĐẦU’.NƯỚC EM CŨNG CÓ VIỆN TOÁN ĐỨNG ĐẦU LÀ CỤ NGÔ BẢO CHÂU,DANH TIẾNG LẪY LỪNG KHẮP SÁU CHÂU(châu Nam cực,chim cánh cụt cũng nghe danh),BỐN BIỂN,KHOÁI QUÁ,KHOÁI QUÁ,ĐÚNG LÀ SÁNH VAI VỚI MỌI CƯỜNG QUỐC.

    Còn cái kết quả nghiên cứu của cụ CHÂU,có tăng thêm củ khoai,hạt gạo cho dân,vua chúa nước em ứ cần biết.

  12. “Viện Toán cao cấp đã ra đời, còn cần thêm 500 năm nữa để đánh giá về hiệu quả của nó nói riêng, về chính sách phát triển nói chung và rút ra những bài học.”

  13. Nhân dịp năm mới, cháu chúc chú cùng gia đình nhiều sức khoẻ, hạnh phúc,an khang, thịnh vượng.
    Đọc bài của chú, cháu cảm thất rất buồn vì cách đầu tư của CP, gần như không phải tính toán gì cho hiệu quả đồng vốn bỏ ra. Không biết tương lai sẽ về đâu.

  14. Lâu không ghé qua, hôm nay đọc được bài này cháu thấy đồng cảm với những suy tư của chú Mẫn. Cháu cũng có những suy nghĩ về tầm quan trọng của khoa học cơ bản cả trước và ngay sau sự kiện GS.NBC được trao giải Fields. Những tâm sự đó chú có thể đọc qua bài viết “Einstein, nhạc Chopin và bổ đề Langlands” của cháu tại đây: http://klfosb.wordpress.com/2010/08/22/einstein-chopin-langlands/
    Các đầu tư cho khoa học cơ bản là quan trọng và cần thiết, nhưng có lẽ đầu tư như thế nào và vào lúc nào còn tuỳ thuộc hoàn cảnh từng quốc gia. Những người ít nhiều làm trong lĩnh vực liên quan tới phát triển cộng đồng nói chung thì đều thấy các lĩnh vực an sinh xã hội và đặc biệt giáo dục Việt Nam đang rất “ốm yếu”. Gần đây, cháu và đồng nghiệp cũng được UNFPA mời phân tích dữ liệu Tổng điều tra dân số 2009 của VN và cho ra một báo cáo chuyên khảo (nếu chú quan tâm cháu sẽ email). Làm và so sánh thì mới giật mình, rằng tỷ lệ người 25 tuổi trở lên ở VN có trình độ học vấn cao (high educational attainment – theo phân loại của UNESCO) hiện đang rất thấp – chỉ có 5,4%, thấp hơn nhiều so với ngay cả trong khu vực như Malaysia, Philippines (trên 8%), thua xa Singapore (19,6%), Hàn quốc (23,4%) và hẳn nhiên là không so được với các nước phát triển ở Âu, Mỹ. Không những thế, tỷ lệ này còn thấp hơn một số nước có chỉ số phát triển con người (HDI) xấp xỉ VN, thấp hơn cả một số nước ở thứ hạng kém hơn (như Nam Phi – 8,9%)… Đó là chưa đi sâu vào bàn về chất lượng giáo dục, và còn nhiều vấn đề khác nữa về khía cạnh giáo dục nghề cho giới trẻ…
    Do đó, cháu nghĩ những quyết sách về khoa học – giáo dục cần phải rất tỉnh táo, chứ không chỉ đặt trọng tâm vào việc mơ hồ như là nâng thứ hạng Toán học của VN lên bậc thứ mấy…

    • Đã đọc bài viết của KL. Bài viết công phu, hay và có nhiều thông điệp rất ý nghĩa. Những con số từ tổng điều tra dân số hoặc từ các cuộc điều tra chọn mẫu phản ánh hiện trạng rất khách quan và trung thực, Hy vọng khoa học xã hội sẽ ngày càng đóng góp được nhiều cho phát triển đất nước.

  15. chào chú Mẫn,
    khi nào rảnh, chú thử đọc thêm bài này chú ạ: Một cường quốc Toán học – Mục tiêu phát triển toán học Việt Nam
    http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=2870

    bài này càng khiến cháu bối rối hơn nữa. Tác giả bài viết là một “GS.TSKH” , đương kim Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam và hình như chính là người phụ trách Viện Toán cao cấp mới thành lập (cùng với GS. Ngô Bảo Châu). Ngay mở đầu bài viết ông đã viện dẫn nhận định của một “GS” khác – đương kim Phó Thủ tướng của chúng ta (Cựu Bộ trưởng Giáo dục). Nhà lãnh đạo lập luận rằng: dân số nước ta hiện đứng thứ 13 thế giới thì phải phấn đấu đưa kinh tế nước ta dần đến hàng 17-20 thế giới (!) và vì Toán học thường phải đi trước một chút (vì ta có truyền thống ?) nên trong một hai chục năm tới Toán học cần đứng vào khoảng thứ 20 trên thế giới.

    – Thứ nhất, cháu không hiểu nổi dựa trên tính toán gì mà nhà lãnh đạo cho rằng dân số ta đông vào hàng thứ 13 thì cũng phải phấn đấu đưa kinh tế lên đứng hàng 17-20. Về khía cạnh dân số học, cháu chưa từng thấy một công trình khoa học nào công bố có mối liên quan tuyến tính giữa thứ hạng đông dân của các quốc gia và kinh tế/ thu nhập. Người ta chỉ thấy có mối quan hệ thuận chiều giữa tổng số người trên hành tinh với phát triển kinh tế của toàn thế giới trong suốt chiều dài lịch sử loài người.

    Theo các số liệu chính thức mới nhất có đủ để so sánh được toàn thế giới do UNDP công bố, cháu thống kê được rằng VN ta đúng là dân số đứng hàng 13 thế giới, nhưng thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita theo phương pháp ước tính PPP) đang đứng thứ 121 toàn thế giới. Và nếu cứ theo lập luận như vậy của bác lãnh đạo, thì chắc nước Qatar (dân số đứng hàng thứ 146 thế giới) chỉ nên khiêm tốn đặt mục tiêu đứng đâu đó xung quanh vị trí đó về thứ hạng kinh tế ? Thế mà Qatar hiện đứng thứ hạng số 1 thế giới về GDP per capita. Tương tự , nước thu nhập cao thứ 2 và thứ 3 tiếp đó là Luxembourg và Liên hiệp các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) thì hiện dân số chỉ đứng thứ 165 và 98 toàn thế giới. Trong khu vực gần ta hơn, Singapore có dân số hàng thứ 115 thế giới, nhưng kinh tế lại đang đứng thứ 5, Hong Kong dân số thứ 97, kinh tế thứ 7, Nhật: dân số thứ 10, kinh tế thứ 21, Trung Quốc: dân số thứ 1, kinh tế: 88…..

    Nếu ông dùng khái niệm “nền kinh tế” với hàm ý tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như là “kích cỡ nền kinh tế” thì cũng vẫn khập khiễng và ko có cơ sở nghiên cứu nào vì chỉ một số rất ít nền kinh tế lớn cũng có dân số rất lớn (như Trung Quốc dân số thứ 1, nền kinh tế thứ 2, Mỹ dân số thứ 3 kinh tế thứ 1) còn lại: Việt nam dân số 13, kinh tế 52, Singapore dân số 115, kinh tế thứ 41 và Luxembourg thứ 63… Tóm lại là vẫn không theo qui luật tuyến tính.

    Mà tại sao không phải cũng là đứng hàng thứ 13? mà lại “thụt” đi một chút, xuống 17-20 ??

    – Thứ hai, cháu không hiểu nổi làm sao mà một giáo sư vào loại đầu ngành Toán như tác giả bài viết lại cho rằng cách lập luận đó của lãnh đạo là “đúng” và “dễ hiểu” ?? và lấy đó làm tiền đề cho tất cả những phần lập luận đằng sau….
    chắc là phải giỏi Toán lắm mới thấy logic đó là dễ hiểu, còn cháu thì quả thực rất thấy khó hiểu…
    KL

    • Đọc “Một cường quốc Toán học …” cũng thấy thật ngỡ ngàng. Xứ ta xưa nay quả vẫn có nhiều người mắc chứng hoang tưởng và bệnh vĩ cuồng. Tất nhiên dễ hiểu là khi được gợi ý đầu tư phát triển 1 ngành thì những người làm trong ngành đó chẳng dại gì mà không tán dương.

  16. Chà, lịch sử nhà nước CHXHCNVN chắc chưa có tiền lệ. Nói như Bọ Lập thì chết, chết, chết. Mỗi ngày trung bình họ tiêu gần 2 tỷ bạc, chắc chắn đạt kỉ lục về chi tiêu. Mà lại là tiêu khg biết vào đâu, khg biết được gì hay khg thì càng CHẾT. Tôi khg hoàn toàn đồng ý với Bọ Lập, cho rằng TTg khổ, ông ấy chả khổ, mà tôi khổ, bọ khổ, dân khổ!
    Ăn tiêu kiểu này mấy mà giàu, mấy mà hoàn thành xây dựng CNXH anh nhỉ!?
    Dũng _ Ninh Thuận.

    • Cũng khó so sánh. Tuy nhiên có thể nói hồi xưa ít người, ít kinh phí, ai cũng nghèo, nhưng đa phần l/v có trách nhiệm và có tấm lòng tốt.

  17. Tôi có ý kiến này các bác nói lại giúp với bác Châu , các bác nghe xem có chí lý không nhé : Viện toán mua một con cadilac dành cho bác Châu và một vài con camry để đi lại từ hà nội đến tuần châu nghỉ dưỡng khi khi nào bác về việt nam công tác, số tiền còn lại bác gửi hết vào ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con có mà viện toán tha hồ rượu và thịt chó

  18. Tôi chia sẻ suy nghĩa của anh Vũ Duy Mẫn. Đất nước muốn có sự phát triển lành mạnh, bền vững thì cũng nên từ bỏ lối suy nghĩ và hành động theo kiểu “thành tích”, “vượt trội”, chạy theo những cái “nhất” cho oách. Bao nhiêu năm thống nhất rồi, tài năng Việt chỉ có thể nở rộ lên ở nước ngoài. Sao thế?

Leave a reply to YÊN HƯNG Cancel reply